CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước, nó xảy ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới và không phân biệt chế độ chính trị; nó diễn ra trên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội và là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, gây ra hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn coi phòng, chống tham nhũng là mục tiêu đấu tranh để từng bước loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định như sau: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại chương XXIII – Các tội phạm về chức vụ và gồm 2 mục: Mục A – Các tội phạm tham nhũng, Mục B – Các tội phạm khác về chức vụ.

Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Các tội phạm về tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện một cách cố ý vì động cơ vụ lợi, xâm phạm đến tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức; xâm phạm đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mục A chương XXIII – Các tội phạm tham nhũng bao gồm 07 Điều: Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).

Tội tham ô tài sản: Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tham ô tài sản là hành vi chủ yếu của tham nhũng và là đặc trưng điển hình của tệ tham nhũng. Người thực hiện hành vi tham ô tài sản có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 02 năm và cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Tội nhận hối lộ: Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người thực hiện hành vi nhận hối lộ có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 02 năm và cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản của người khác. Người thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 01 năm và cao nhất là tù chung thân.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 01 năm và cao nhất là phạt tù đến 15 năm.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ các nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ được giao gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người thực hiện hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 01 năm và cao nhất là phạt tù 20 năm.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Người thực hiện hành vi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 01 năm và cao nhất là phạt tù chung thân.

Tội giả mạo trong công tác: Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người thực hiện hành vi giả mạo trong công tác có thể phải chịu hình phạt thấp nhất là phạt tù 01 năm và cao nhất là phạt tù 20 năm.

Ngoài các tội phạm về tham nhũng thì trong Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định về các tội phạm khác về chức vụ bao gồm có 7 Điều như sau: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362); Tội đào nhiệm (Điều 363); Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội môi giới hối lộ (Điều 365); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366).

Như đã ở trên, yếu tố “động cơ vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc phải có ở các tội phạm tham nhũng, còn đối với các tội phạm khác về chức vụ, “động cơ vụ lợi” không có hoặc không phải là yếu tố bắt buộc phải có của cấu thành tội phạm. Do đó, sự khác biệt giữa các tội phạm tham nhũng với các tội phạm khác về chức vụ là yếu tố “động cơ vụ lợi”.

Như vậy, tội phạm tham nhũng đã được xây dựng thành một chế định riêng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đồng thời, chế tài áp dụng đối với các hành vi tham nhũng đều là những hình phạt có tính chất nghiêm khắc, với mức cao nhất của khung hình phạt lên tới tù chung thân hoặc tử hình. Từ đó có thể thấy rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng, chống và từng bước loại bỏ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *